Năm 1948, trong cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp, hơn 300 công nhân, những người con ưu tú của vùng mỏ Cẩm Phả đã bị thực dân Pháp bắt bớ, đánh đập, tra tấn dã man. Cuối cùng, chúng đem họ nhốt vào bao tải buộc đá dìm xuống biển tại khu vực cảng Vũng Đục...
Tưởng nhớ những người con đã ngã xuống vì quê hương, công trình Tượng đài Vũng Đục đã được UBND TX Cẩm Phả xây dựng và khánh thành ngày 3-2-1993. 17 năm qua, Tượng đài vẫn hiên ngang đứng đó, nhìn lên là bầu trời trong xanh mây trắng, ngó xuống là vùng vịnh Bái Tử Long mênh mông sóng vỗ, thuyền bè qua lại tấp nập...
Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê đang chỉnh sửa bức phù điêu của tượng đài Vũng Đục.Hiện nay, công trình đang được sửa sang lại để tạo đường lên mới thoải mái, rộng rãi hơn, mở rộng nền đài và lát bằng những vật liệu đẹp, bền vững hơn. Riêng phần tượng đài có gắn hai bức phù điêu cũng được chỉnh trang lại. Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê, người tạo dáng bố cục mẫu tượng đài nay cũng chính là người thực hiện phần chỉnh sửa hai bức phù điêu này.
Ông cho biết: Mẫu tượng đài mang ý tưởng con chim hải âu đang bay lên tìm bầu trời tự do. Khát vọng tự do của con chim biển cũng là khát vọng của những người cộng sản. Phần trụ tượng đài cao vút lên được ốp bằng đá trắng sau 17 năm phơi mưa nắng và nhận những luồng gió biển lồng lộng trên cao vẫn không hề thay đổi, bởi vậy lần chỉnh sửa này sẽ được giữ nguyên. Hai bức phù điêu lớn gắn trên trụ tượng đài tượng trưng đôi cánh của chim hải âu thể hiện nội dung chính của tượng đài là phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Cẩm Phả và khí tiết người cộng sản. Cả hai bức sẽ được gắn vá bởi đôi chỗ đã bị nứt rạn. Màu nâu đỏ của phù điêu bị mưa nắng làm phai nhạt đi lần này sẽ được thay bằng màu đồng. Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê nhấn mạnh, sẽ không phải màu đồng mới mà sẫm hơn, thể hiện màu đồng đã qua thời gian bởi đây là công trình có từ trước chứ không phải mới hoàn toàn. Ông cũng ước ao, giá như 2 phù điêu được đúc bằng đồng đỏ nguyên chất chứ không phải xi măng như hiện nay thì sẽ lưu giữ được lâu dài hơn nhiều công trình có ý nghĩa lịch sử và tâm linh của Vùng mỏ Cẩm Phả này.
Để làm được tượng đài, ông phải đọc kỹ lịch sử phong trào công nhân mỏ, tìm ra nét đặc thù trong đấu tranh giữa công nhân và chủ mỏ giai đoạn cuối những năm 40 để hình tượng dựng lên sát với hiện thực và gắn với những sự kiện tiêu biểu nhất. Mặc dù được mời đích danh nhưng ông vẫn rất cẩn trọng, ông đã làm đến hàng chục phác thảo khác nhau để cuối cùng chọn ra 2 bức hiện nay.
Bức phù điêu thứ nhất hướng về phía bắc - phía thị xã, thể hiện phong trào cách mạng năm 1948 ở Cẩm Phả. Phù điêu có hình ảnh đấu tranh chống bắt lính, chống ách áp bức, bóc lột, đòi tăng lương, giảm giờ làm rồi phong trào phá máy móc để cản trở âm mưu vơ vét tài nguyên của Pháp). Thời kỳ này không có sự quật khởi như những năm 1936, 1945 nhưng tinh thần đấu tranh của quần chúng vẫn dâng cao, rất mạnh mẽ. ở bức phù điêu này, dấu ấn thực dân Pháp thể hiện khá rõ, ở hình ảnh của lô cốt Pháp, cột mốc đánh dấu địa giới ghi chữ SFCT (chữ viết tắt Công ty Than Bắc Kỳ của Pháp hồi ấy). Bức phù điêu thứ hai hướng về phía biển (phía nam), thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của giai cấp công nhân, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Trong 6 nhân vật thì có 5 phụ nữ, nói về điều này, tác giả cho biết, đó là 5 cô gái có tinh thần đấu tranh kiên cường nhất mà sử sách đã ghi lại.
Nhận xét về tác phẩm của mình, với bức thứ nhất, ông khá hài lòng vì cấu trúc hình thể đẹp, tinh thần từng nhân vật rõ nét, thể hiện sức sống nội tâm mỗi người. Nhưng, toàn bộ phía trước hợp với tư duy người xem hơn vì đều lột tả phong trào đấu tranh trên khu mỏ với các hình thức khác nhau, chỉ có hình ảnh bà mẹ chống bắt lính thì không khớp lắm vì thuộc một không gian đấu tranh khác. Tiếc là điều này về sau ông mới nhận ra, nếu không ông đã thay bằng một hình ảnh khác tương thích hơn. Trong hai bức thì ông cho rằng bức thứ hai được tạc thành công hơn cả. Bởi lẽ, phù điêu không chỉ thể hiện được khí tiết, sự kiên cường của người cộng sản mà còn thể hiện được tình đồng đội, sự chung vai sát cánh của những người cùng giai cấp. Trước cái chết, họ vẫn hướng về nhau, tay mỗi người đều bị trói nhưng ánh mắt họ vẫn nhìn vào nhau, bằng thái độ, bằng hành động để bảo vệ nhau, có chị đã dùng đôi bàn tay đè họng súng hung hăng dồn đẩy của kẻ thù xuống không cho chĩa vào đồng đội mình.
Trên phù điêu này, những tên thực dân, kẻ thù của dân tộc chỉ được tạc với một cánh tay đang cầm khẩu súng. Hỏi về điều này, nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê mỉm cười nhưng giọng dứt khoát: Chỉ có cánh tay và nòng súng để thể hiện tội ác mà thôi. Chúng không xứng đáng được ghi danh cùng đất nước, được tồn tại cùng năm tháng và vĩnh viễn đứng trên vùng đất này! Hơn nữa, lịch sử đã sang trang, chúng ta không bao giờ quên quá khứ nhưng không muốn nhắc lại nữa mà muốn khép lại quá khứ để hướng tới tương lai... Dẫu vậy, ông cũng chưa thật ưng vì đặc điểm từng nhân vật chưa khác biệt với nhau lắm.
Làm như vậy, khi lắp dựng cũng có sự may mắn! Mỗi tấm phù điêu có 12 lỗ bu lông để bắt vào thân chính. Ông rất lo vì nếu các lỗ bu lông của phù điêu và trụ chính bị lệch một chỗ nào đó thì sau này phù điêu có thể sẽ hở, không cân đối, giảm giá trị thẩm mỹ. Thật may là khi lắp thì các lỗ vít rất khớp nhau! Thêm nữa, với trọng lượng lên tới 5-6 tạ/phù điêu. Mỗi bức phù điêu chia làm 3 tấm, và như vậy mỗi tấm nặng tới gần 2 tạ nên khi vận chuyển theo đường dốc độc đạo lên tượng đài để lắp dựng rất khó khăn. Chưa kể khi nâng các tấm lên gắn vào trụ cũng sẽ không dễ dàng. Ông đi quanh khu vực cảng Vũng Đục và tình cờ thấy có một bàn sắt khá cao của công nhân. Dùng bàn này làm chiếu nghỉ rồi từ đây nâng các tấm lên gắn vào thân tượng đài sẽ an toàn cho phù điêu và đỡ tốn sức người hơn...
Hỏi về suy nghĩ khi được mời chỉnh sửa lại hai bức phù điêu của mình, nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê cho hay, ông rất vinh dự, bởi tâm huyết của tác giả nào cũng muốn bảo lưu lâu dài cho tác phẩm của mình. Có thể người khác làm cũng tốt, nhưng bản thân mình vẫn có sự lo lắng, áy náy, liệu tác phẩm có được làm đúng như ý của mình không...
Phan Hằng (bao Quangninh)