Giải thưởng Sao khuê 2018 vinh danh Ứng dụng 3D trong y học của ĐH Duy Tân
Sáng 21.4.2018, lễ Công bố và trao Danh hiệu Sao Khuê 2018 diễn ra ở Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, Vinasa,… Ứng dụng 3D trong y học ĐH Duy Tân tiếp tục được vinh danh.
TS Lê Nguyên Bảo, Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân - Trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm nhận danh hiệu Sản phẩm tiêu biểu của ngành Phần mềm, Dịch vụ CNTT VN tại Giải thưởng Sao Khuê
Đón nhận Danh hiệu Sao Khuê 2018
Một lần nữa, sau rất nhiều giải thưởng quốc gia, sản phẩm Ứng dụng 3D trong Y học của Đại học (ĐH) Duy Tân tiếp tục vinh dự được Giải thưởng Sao Khuê 2018 xướng tên là sản phẩm tiêu biểu của ngành Phần mềm, Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) VN. Sản phẩm có tên gọi đầy đủ là “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tại ảo tăng cường (VR/AR) mô phỏng và tương tác với hệ cơ thể người 3D”, được xây dựng bởi đội ngũ là nhóm tác giả đến từ ĐH Duy Tân.
Đây thực sự là một danh hiệu đáng được trông đợi, bởi Danh hiệu Sao Khuê là giải thưởng cao quý, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT VN tổ chức từ năm 2003 đến nay, với mục đích vinh danh, biểu dương các doanh nghiệp cơ quan, tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm và CNTT VN. Giải thưởng Sao Khuê luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như của dư luận xã hội và được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Danh hiệu Sao Khuê cũng được xem là một “chứng chỉ” chuyên ngành khẳng định và tôn vinh đẳng cấp chất lượng, tính ưu việt, tính hiệu quả cao nhất dành cho các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT VN. Năm 2018 là năm thứ 15 của chương trình bình chọn Sao Khuê được tổ chức.
Phần thưởng cao quý của sản phẩm “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tại ảo tăng cường (VR/AR) mô phỏng và tương tác với hệ cơ thể người 3D” của ĐH Duy Tân
Trước đó, tại buổi lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2017, sản phẩm “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tại ảo tăng cường (VR/AR) mô phỏng và tương tác với hệ cơ thể người 3D” của ĐH Duy Tân cũng đã được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao giải nhất lĩnh vực CNTT. Đó cũng là giải nhất duy nhất của giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017. Nhân tài Đất Việt là giải thưởng hàng đầu về lĩnh vực CNTT ở VN, cũng là giải thưởng uy tín trong lĩnh vực môi trường, khoa học công nghệ, y dược,... được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo và được dư luận xã hội đánh giá cao.
Sản phẩm tiêu biểu của ngành phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam
Sản phẩm “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tại ảo tăng cường (VR/AR) mô phỏng và tương tác với hệ cơ thể người 3D” là nỗ lực, say mê nghiên cứu trong suốt 5 năm của nhóm tác giả đến từ ĐH Duy Tân gồm: Lê Nguyên Bảo, Lê Văn Chung, Trịnh Hiệp Hòa, Lê Khắc Triều Hưng, Nguyễn Lương Thọ, Nguyễn Minh Đức và Lê Hoàng Quốc Bảo; cùng sự chung tay của lãnh đạo ĐH Duy Tân với những nghiên cứu có tính ứng dụng cao dành cho những nhà khoa học, nghiên cứu trẻ.
Sản phẩm được đánh giá cao bởi những hiệu quả tích cực mang lại trong công tác đào tạo chuyên ngành y khoa. Cụ thể, sản phẩm đã hoàn thiện hầu như toàn bộ các mô hình 3D cho các hệ và cơ quan trong cơ thể người. Trong đó, các hệ quan trọng trong cơ thể người như: hệ xương, hệ cơ, hệ mạch máu và tim, hệ thống dây thần kinh và não, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết và sinh dục, các tuyến và hạch,... đã được mô tả bởi hơn 3.924 chi tiết mô phỏng và được thực hiện hoàn toàn dựa theo đặc điểm nhận dạng giải phẫu học của người Việt. Sản phẩm đã được các giáo sư cùng nhiều nhà khoa học đầu ngành đang giảng dạy tại các ĐH y-dược, cũng như bệnh viện lớn theo sát kiểm tra, thẩm định. Vì vậy, sản phẩm đã đảm bảo được tính chính xác về những chi tiết, dữ liệu y khoa của người VN. Đây cũng là khác biệt cơ bản so với các sản phẩm mô phỏng khác của thế giới hiện đang bán trên thị trường.
Ứng dụng Công nghệ mô phỏng 3D trong Giải phẫu học của nhóm tác giả ĐH Duy Tân còn có rất nhiều ưu điểm vượt trội. Ứng dụng hỗ trợ người học nhìn thấy trực quan từng cơ quan, từng chi tiết giải phẫu cụ thể và có thể tương tác trực tiếp (xoay, ẩn, hiển thị, di chuyển, đánh dấu, diễn hoạt cử động,…) trong không gian 3 chiều qua máy chiếu 3D, kính 3D, các loại kính hỗ trợ VR (Virtual Reality) như: Oculus Rift, gear VR, HTC Vive,… hoặc tương tác qua máy tính để bàn và xách tay (trên nền Windows, Mac, Linux), qua điện thoại thông minh và máy tính bảng (hệ điều hành Android hoặc iOS). Người dùng còn có thể trực tiếp tra cứu dữ liệu bằng tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Latin thông qua những thông tin mẫu. Điều này đã giúp khắc phục được tình trạng giảng dạy lý thuyết “chay” ở một số trường học hay cơ sở đào tạo y khoa, giúp sinh viên có cái nhìn trực quan về cơ thể người ở các góc độ khác nhau và tự tích lũy được kinh nghiệm trong suốt quá trình học tập, từ đó sẽ tự tin hơn khi bước vào tác nghiệp thực tế.
https://thanhnien.vn/giao-duc/giai-thuong-sao-khue-2018-vinh-danh-ung-dung-3d-trong-y-hoc-cua-dh-duy-tan-955048.html