3. Tuyên truyền giáo dục những kiến thức pháp luật cần thiết, phổ cập với người dân
Cả nước có một hệ thống pháp luật chung, nhưng việc thực hiện nó lại tuỳ thuộc vào trình độ của người dân ở vùng, miền, do khả năng hiểu biết rất khác nhau. Vì thế, các phương tiện thông tin đại chúng căn cứ vào tôn chỉ, mục đích, khả năng đặc trưng, đối tượng phục vụ của cơ quan mình mà có cách diễn đạt, trình bày các nội dung pháp luật phù hợp. Trong những nội dung giáo dục, việc giáo dục ý thức pháp luật là khó nhất và cần nhất. Xây dựng được thói quen, nếp sống và làm việc theo pháp luật, người dân sẽ tự giác sống và làm việc theo pháp luật, tự giác tôn trọng pháp luật đó chính là tôn trọng cuộc sống của chính mình và tôn trọng cộng đồng. Khi có ý thức pháp luật, người dân sẽ dần dần hình thành thói quen, thành nếp sống, thành nhu cầu của cuộc sống một cách tự nhiên, tự giác, không cần sự giám sát của các cơ quan thi hành pháp luật.
Để có được ý thức pháp luật của người dân, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng không ngại tốn thời gian, công sức, tiền của, phải rất kiên trì, bền bỉ, sáng tạo, kiên nhẫn phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền giáo dục nhiều lần. Tuyên truyền để người dân bỏ dần thói quen tự do, tuỳ tiện của nếp sống không cần pháp luật hoặc coi thường pháp luật. Đối với những vấn đề cấp thiết cần người dân hiểu và thi hành nghiêm chỉnh như an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Cần phải thiết lập trật tự cộng đồng xã hội bằng sự tự giác, tự chủ cao của người dân mới có được sự ổn định vững chắc của cộng đồng. Cao hơn nữa là những tri thức luật pháp về kinh tế, tài chính, quốc phòng, đối ngoại... lần lượt được cung cấp cho nhân dân hiểu biết và thực hiện để có được một xã hội văn minh, tiến bộ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu hơn, rộng hơn, đòi hỏi chúng ta không chỉ có tri thức văn hóa pháp luật của nước ta, mà còn hiểu biết văn hóa pháp luật của các nước, văn hóa pháp luật quốc tế để chúng ta tồn tại và phát triển. Trong khi đó, chúng ta hiểu biết luật pháp quốc tế chưa được bao nhiêu mà cuộc sống hàng ngày luôn cọ xát, va chạm, phải xử lý liên quan đến pháp luật quốc tế. Một người dân buôn bán ở biên giới, người làm nghề chài lưới ở ngoài biển, người đi lao động nước ngoài... đều cần có tri thức nhất định về pháp luật quốc tế và pháp luật của nước sở tại.
4. Phương tiện thông tin đại chúng đấu tranh, phê phán những tiêu cực vi phạm pháp luật của công dân trong đời sống xã hội
Cùng với việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, các phương tiện thông tin đại chúng tập trung phê phán, phân tích, tìm nguyên nhân của những cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật một cách thẳng thắn, sắc bén. Đó là những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày chung quanh ta. Việc cải cách hành chính làm cho nền hành chính công gọn nhẹ, có hiệu quả, phục vụ thiết thực nhân dân đã được Đảng, Nhà nước yêu cầu nhiều năm song vẫn còn trì trệ. Tình trạng quan liêu, hách dịch, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân vẫn khá nghiêm trọng ở nhiều nơi khiến nhân dân bất bình, làm giảm sút lòng tin vào các cơ quan Đảng, chính quyền sở tại. Kèm theo đó, phía người quản lý và người dân ở không ít nơi còn coi thường pháp luật, bất chấp kỷ cương, dân chủ quá trớn; một bộ phận cán bộ lôi bè kéo cánh, tham nhũng, hối lộ, gây bất bình trong nhân dân... Những vấn đề như vậy nếu cứ để kéo dài, không dám phê phán công khai hoặc chỉ phê phán chung chung sẽ không có tác dụng góp phần làm chuyển biến tình hình, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Nhân dân rất cần các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp những thông tin chính xác, rõ ràng về những vấn đề liên quan đến pháp luật đúng, sai, phải, trái. Một xã hội pháp quyền, nhất là pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì yếu tố pháp quyền phải được coi là tối thượng, là "thần linh" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Xã hội ấy không thể tồn tại những hành vi bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương đi đến độc đoán, chuyên quyền; dùng quyền lực thay cho công lý. Đó là điều Đảng ta chủ trương bằng mọi cách khắc phục, làm trong sạch bộ máy của Đảng, bộ máy nhà nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
5. Chương trình "Sức nước nghìn năm" là đóng góp thiết thực, có hiệu quả vào quá trình tuyên truyền giáo dục pháp luật ở nước ta
Tính khả thi và thiết thực của chương trình này thể hiện ở mục tiêu cụ thể, các hình thức, bước đi và biện pháp của nó.
"Sức nước nghìn năm" với cái tên của một chương trình hoạt động nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống quý báu của lịch sử dân tộc ta, một dân tộc có nền văn minh, văn hiến, văn minh pháp luật hàng nghìn năm cần được đánh thức như một nguồn sức mạnh cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam XHCN. Bắt đầu và hành trình của chương trình là hoạt động tuyên truyền, giáo dục, truyền bá pháp luật. Thông qua nhiều hình thức sinh động, sáng tạo, cô đọng, ấn tượng linh hoạt, nhẹ nhàng làm cho người dân "thưởng thức" pháp luật; nhận thức pháp luật , hiểu biết giá trị pháp luật để tự giác thi hành pháp luật. Tập trung vào bốn nhóm vấn đề của chương trình, các phương tiện thông tin đại chúng có thể phát huy vai trò độc lập của mình hoặc phối hợp cùng làm cho việc tuyên truyền giáo dục pháp luật có hiệu quả
Các nhóm vấn đề của chương trình rất thiết thực với nhân dân về dân sinh, y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh, trật tự, tư pháp, hộ tịch, chính sách.
Trong bốn lĩnh vực trên, không chỉ truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng đã từng tuyên truyền, quảng bá mà sắp tới sẽ có thể làm tốt hơn, kỹ hơn, sâu hơn dưới các hình thức sinh động, nhẹ nhàng, dễ vào cuộc sống như: sân khấu hóa, trò chơi, thi tìm hiểu pháp luật, từ điển pháp luật... Thông qua đó, các đối tượng có trình độ khác nhau ở các vùng miền khác nhau đều có cơ hội tiếp cận với tri thức pháp luật một cách tự nhiên, tự giác theo kiểu mưa dầm thấm lâu.
Nói đến phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng với tuyên truyền giáo dục pháp luật của nhân dân là nói tới một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của xã hội. Nó liên quan trực tiếp và gián tiếp tới sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều quan trọng là công việc này cần được tổ chức lại thành một lực lượng thống nhất, có chương trình hoạt động với các hình thức, bước đi thích hợp, được Đảng, Nhà nước quan tâm thích đáng. Chương trình "Sức nước nghìn năm" đã có kế hoạch và khả năng tham gia thực hiện điều đó một cách khả thi.
Các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài việc chủ động thực hiện tốt các vấn đề nêu trên, còn ủng hộ, phối hợp, tạo điều kiện cùng chương trình "Sức nước nghìn năm" phát huy tác dụng, đưa các nội dung giáo dục pháp luật vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả, bền vững./.