NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN CÁC
PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG, GÓP PHẦN
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
PGS.TS TRẦN QUANG NHIẾP
Chúng ta đã và đang tiến hành xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân với mục đích thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.
Nhà nước pháp quyền XHCN lấy pháp luật làm căn cứ điều tiết các hành vi cá nhân, các quan hệ xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định và phát triển bền vững.
Để có được xã hội pháp quyền như vậy, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như xây dựng hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, có hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương xuống cơ sở vững chắc, trình độ văn hóa pháp luật và ý thức của người dân đạt tới sự hiểu biết, tự giác cao, các cơ quan giám sát thi hành pháp luật nghiêm minh... Trong số những yếu tố trên, yếu tố nào cũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng suy cho cùng, hệ thống luật pháp ấy có đến được với người dân không, nhân dân có hiểu biết và tự giác thực hiện pháp luật hay không là vấn đề quyết định. Nếu luật pháp vẫn chỉ là luật pháp cho dù có hoàn chỉnh đến mấy; nếu người dân cứ tự do sống theo kiểu của mình không cần biết đến luật pháp, thì không những xã hội không phát triển mà còn rất tồi tệ và bất ổn. Mấu chốt của vấn đề ở chỗ, pháp luật phải đi vào cuộc sống, nhân dân thấy cần pháp luật như cần không khí để hít thở vậy. Cho nên, việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân là việc làm không thể thiếu và cũng không thể làm một, hai lần, làm một thời gian ngắn là xong mà phải rất kiên trì, sáng tạo, linh hoạt, được toàn xã hội tham gia.
Tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân có nhiều việc phải làm, bằng nhiều cách, do nhiều lực lượng tham gia như đã nêu.
Các phương tiện thông tin đại chúng với những ưu thế đặc biệt đã thực sự là một công cụ tuyên truyền giáo dục pháp luật có hiệu quả xã hội cao. Các phương tiện thông tin đại chúng làm cho mỗi người dân trong đời sống sinh hoạt thường ngày của mình được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng một cách trực tiếp, cập nhật, phong phú, đa dạng, sinh động, dễ dàng. Thông qua các phương tiện nghe, nhìn của đài phát thanh, đài truyền hình, sách báo in, báo mạng, báo ảnh, tạp chí... người dân có thể thấm nhuần những nội dung pháp luật, những điều cần phải làm, những vấn đề phải quan tâm... Các phương tiện thông tin đại chúng cũng phê phán, nêu rõ các hiện tượng sai trái coi thường pháp luật, không hiểu pháp luật đã dẫn đến những hậu quả khó lường cho cá nhân, gia đình và xã hội. Việc làm này có tác động mạnh tới nhận thức tư tưởng, tình cảm của mỗi người, khiến họ phải tự điều chỉnh hành vi của mình theo quy định của pháp luật. Cho nên việc tuyên truyền giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là cần thiết, có nhiều ưu thế và là một trong những phương pháp, phương thức tuyên truyền giáo dục pháp luật hiện nay có hiệu quả cao, được nhiều người ở nhiều lứa tuổi quan tâm.
Để tuyên truyền giáo dục pháp luật, các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện các nhiệm vụ chính sau:
1. Những người hoạt động trong lĩnh vực thông tin đại chúng phải có kiến thức pháp luật
V.Lê-nin đã từng chỉ rõ, người đi giáo dục cũng phải được giáo dục. Muốn tuyên truyền giáo dục pháp luật, người làm công tác thông tin đại chúng, cơ bản là các nhà báo phải được giáo dục về pháp luật, có kiến thức luật pháp khá sâu trên từng lĩnh vực. Nhà báo cần nghiên cứu, nắm vững hệ thống luật pháp trong lĩnh vực mà mình phụ trách như giao thông, môi trường, an ninh trật tự, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội... Những thông tin giáo dục pháp luật phải chính xác, hệ thống, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, có ấn tượng khó quên.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguyên nhân khiến cho công tác tuyên truyền giáo dục luật pháp của các phương tiện truyền thông chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Có tình trạng đó là do nội dung giáo dục pháp luật chưa sâu, chưa trúng, chưa thật thiết thực với đời sống người dân. Hình thức giáo dục tuy đã có sự tìm tòi, sáng tạo song vẫn chưa thật đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cuộc sống. Tất cả đều do người làm công tác tuyên truyền còn những hạn chế về trình độ luật pháp, về khả năng thể hiện. Khắc phục điều đó, nhà báo cần thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Bản thân coi việc tự học, tự trang bị kiến thức pháp luật là một đòi hỏi nghề nghiệp cao, một ý thức trách nhiệm xã hội lớn đối với nhà báo hiện nay.
2. Nội dung hệ thống pháp luật được chuyển tải qua mạng lưới truyền thông phù hợp
Giáo dục pháp luật qua hệ thống truyền thông không thể mang tính giáo khoa, hàn lâm, truyền giảng mà nên được thông tin dưới nhiều hình thức sáng tạo, sinh động, cuốn hút khán giả, thính giả, độc giả. Những hình thức phóng sự, đối thoại, sân khấu hóa, trò chơi giải trí... cần được phát huy sáng tạo, phong phú, thiết thực.
Mỗi phương tiện thông tin đại chúng tự chọn cho mình những hình thức, biện pháp thích hợp với đặc trưng riêng. Cần có những chuyên mục, chuyên đề, chuyên trang dài hơi, bổ trợ, kế tiếp nhau một cách toàn diện, hệ thống, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện; ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn. Dần dần tạo cho người dân có thói quen tư duy pháp luật, tìm hiểu pháp luật, điều chỉnh các hành vi theo pháp luật. Đài, báo cần có những hình thức sinh động phản ánh việc đưa pháp luật vào cuộc sống; phản ánh các khía cạnh, những biểu hiện cuộc sống pháp luật trong xã hội. Thông qua đó, nhận thức pháp luật của người dân được nâng lên. Họ tự rút ra những mặt tốt, tự phê phán những mặt chưa tốt trong thi hành pháp luật.