CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ VỰNGSO SÁNH
* Cách cấu tạo: A như B (A: Sự vật chưa biết hoặc chưa được rõ), (B: Sự vật đã biết). Qua B để hiểu A. Giữa A và B có từ so sánh: như, tựa, bằng, là…
* Chức năng, tác dụng:
- Nhận thức: Nghĩa là nhờ B ta hiểu thêm về A
- Gợi hình ảnh và cảm xúc ở người đọc, người nghe…
VD:
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng.
(Ngô Văn Phú)
Bài ca dao mở đầu bằng kiểu so sánh chéo (mây như bông, bông như mây) từng sự vật, kết thúc bằng việc so sánh hợp nhất (đội bông như thể đội mây). Như vậy chủ yếu không phải là miêu tả bông hay miêu tả mây, mà để gây ấn tượng về độ tràn ngập màu trắng của “bông”, của 1 vụ bội thu “bông”. Con người như lâng lâng bay trong khoảng không gian mênh mông màu trắng. Đó là những con người mà lao động không còn là gánh nặng đè họ xuống, mà thực sự là niềm vui nâng họ lên ngang tầm của trời mây. Bài ca dao là 1 bức tranh rất sáng, rất đẹp với sự láy đi láy lại của bông mây, láy đi láy lại màu trắng, loáng thoáng điểm chút màu đỏ của những đôi má trẻ tươi.ẨN DỤ* Cách cấu tạo: A giống B. A là sự vật ẩn đi, nhưng vẫn có thể nhận biết được, mô tả đựơc. B là sự vật xuất hiện trực tiếp nhằm để gợi ra A, nói về A. Giữa sự vật A và sự vật B có những nét giống nhau. Vì vậy ẩn dụ được hình thành dựa trên sự liên tưởng, tưởng tượng…
* Chức năng, tác dụng:
- Nhận thức: qua B biết về A
- Gợi hình ảnh, cảm xúc ở người đọc, người nghe, là cách nói mang tính hàm súc, cô đọng, giá trị biểu đạt cao.
VD:
Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Cặp ẩn dụ thuyền- bến, thuyền: Sự vật có đặc tính động, nay đây, mai đó trên sông nước. Bến là sự vật có đặc tính tĩnh, cố định ở một nơi, một chốn trên sông nước. A-thuyền: Gợi đến hình ảnh người con trai thời xưa đi làm ăn xa, tung hoành ngang dọc. B- bến gợi tới hình ảnh người con gái ở nhà thuỷ chung chờ đợi. Như vậy cặp ẩn dụ trên nói về tình yêu nam nữ.Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang.
Trong dòng thơ trên có ẩn dụ tu từ “ngập ngừng”, “ngập ngừng” dùng để chỉ trạng thái quanh co của mép núi: lúc hiện ra, lúc khuất đi trong tầm mắt. Từ này còn đựơc dùng để chỉ tâm trạng của người đi đường xa, vừa muốn bước tiếp, lại vừa muốn dừng chân, bước chân cũng “ngập ngừng” như e sợ một cái gì đó ở trước mặt.
* Các loại ẩn dụ:
- Nhân hoá: ẩn dụ lấy từ ngữ chỉ hiện tượng, tính chất, trạng thái của con người để chỉ hiện tượng, tính chất của sự vật.
- Vật hoá: ẩn dụ lấy từ ngữ chỉ vật dùng cho người.
- Ẩn dụ cảm giác: Ẩn dụ lấy cảm giác của giác quan này để gọi tên cảm giác thuộc giác quan khác.
HOÁN DỤ
* Cách cấu tạo: A (gần) B. A là sự vật ẩn đi nhưng có thể nhận biết, mô tả đựơc. B là sự vật xuất hiện trực tiếp, nhằm để gợi ra A, nói về A. Giữa sự vật A và sự vật B có mối quan hệ gần gũi với nhau, đi đôi với nhau. Vì vậy hoán dụ được hình thành dựa trên sự liên tưởng tiếp cận.
* Chức năng, tác dụng:
- Nhận thức: Nghĩa là qua B biết về A.
- Gợi hình ảnh cảm xúc ở người đọc, người nghe.
- Dùng tính chất tiêu biểu, đại diện ở sự vật B để nói về sự vật A, cho nên có tác dụng nhấn mạnh, gây ấn tượng ở người đọc, người nghe.
* VD:
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
B: Áo chàm-trang phục quen thuộc của đồng bào các dân tộc Việt Bắc.
A: Áo chàm chỉ người dân Việt Bắc