Vẫn biết Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền phái của dân tộc Việt do Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập có trung tâm tại núi Yên Tử. Tuy nhiên, những thông tin cụ thể về nơi tu luyện, giảng pháp, truyền đạo cũng như viên tịch, cất giữ xá lị của ông tại quần thể di tích này chưa được nhiều nhà khoa học nghiên cứu một cách đầy đủ.
Đặc biệt, mới đây giới khảo cổ học đã đưa ra quan điểm về vị trí viên tịch của đức vua Trần Nhân Tông trái ngược với những suy nghĩ từ trước tới nay. Trước những khảo chứng mới này, trong dịp lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn được tổ chức trọng thể vào cuối tháng 11-2008 vừa qua, PGS.TS Tống Trung Tín, Viện Trưởng Viện Khảo cổ học, đã đưa ra bảng thống kê về các di tích tiêu biểu của Trần Nhân Tông trên đất Quảng Ninh.
Khách thập phương trẩy hội Yên Tử.Theo TS Tống Trung Tín, trong những năm tu hành tại dãy núi Yên Tử, Trần Nhân Tông đã để lại nhiều công trình quý báu, phản ánh quá trình tu tạo thành Phật của ông cũng như sự tồn tại, phát triển, tầm ảnh hưởng của thiền phái Trúc Lâm. Sau khi truyền ngôi cho Anh Tông, khoảng tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299) Trần Nhân Tông vào thẳng núi Yên Tử, tinh cầu tu 12 hạnh, lập ra chi đề tịnh xá giảng độ pháp tăng. Tại đây hiện nay có dấu tích chùa Hoa Yên, là nơi ông bắt đầu cuộc đời xuống tóc đi tu. Chùa Hoa Yên hiện được xây dựng đúng vị trí của chùa Hoa Yên trước kia, song kiến trúc, nghệ thuật xây dựng thì không còn giữ được nguyên vẹn như cũ; tại chùa Lân (tức chùa Long Động) cũng tìm thấy những dấu tích tương tự về kiến trúc và niên đại, ngoài ra còn hàng loạt các di tích khác như am Ngự Dội, am Thiền Định, am Tử Tiêu thuộc quần, thể di tích Yên Tử v.v... đều là những điểm di tích liên quan đến đức vua Trần Nhân Tông...
Khi đã chứng ngộ Phật pháp, Trần Nhân Tông tiến hành truyền bá các tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm đi khắp nơi. Bắt đầu là các khu vực xung quanh dãy núi Yên Tử, trong đó Đông Triều được lập hàng loạt các am tháp, chùa chiền và mời các danh tăng lập trường giảng, sau đó tiến về các vùng miền xa hơn như chùa Phổ Minh (Nam Định) Sùng Nghiêm (Hải Dương), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Báo Ân (Hà Nội).
Trong nhiều tài liệu sử liệu cổ có ghi chép về sự việc Trần Nhân Tông viên tịch, đó là tại am Ngoạ Vân, vào đêm 1-11-1308. Khi dặn dò Bảo Sát, Điều Ngự nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch. Việc xác định vị trí am Ngọa Vân ở đâu - một vấn đề mang nhiều tranh cãi của các nhà khoa học - đến nay đã được nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Anh và nhiều đồng sự khác tại Viện Khảo cổ học giải đáp thoả đáng. Đoàn đã thám sát, khai quật am Ngoạ Vân tại thôn Tây Sơn, xã An Sinh, huyện Đông Triều và đã tìm được nhiều dấu tích liên quan đến việc đức vua Trần Nhân Tông viên tịch tại đây. Tiêu biểu như di vật Phật hoàng tháp, được xác định là mộ tháp của Phật hoàng, bài vị thờ ngài trong tháp và tấm bia thời Nguyễn được vua Minh Mạng cho dựng để ghi nhớ vị trí tháp mộ Trần Nhân Tông. Trong khi đó vị trí được coi là am Ngoạ Vân ở di tích Yên Tử hiện nay chỉ là công trình mới được hình thành vào thời Lê, Nguyễn. Điều này khẳng định nơi vua Trần Nhân Tông viên tịch là am Ngoạ Vân ở xã An Sinh, huyện Đông Triều chứ không phải am Ngoạ Vân tại di tích Yên Tử hiện nay như nhiều người vẫn nghĩ.
Sau khi viên tịch, Trần Nhân Tông được Bảo Sái và Pháp Loa hoả thiêu, ngọc cốt của Trần Nhân Tông được đưa về mai táng ở Đức Lăng, còn các hạt xá lị được lưu giữ ở nhiều nơi. Ban đầu, tại chùa Tư Phúc và tháp Báo Thiên ở Thăng Long, rồi phủ Long Hưng, tôn trí vào chùa Phổ Từ và tháp đá viện Quỳnh Lâm, sau này được để ở nhiều nơi thuộc các chùa lớn của phái Trúc Lâm tại Quảng Ninh. Theo nghiên cứu của TS Tống Trung Tín, có thể là Tháp Huệ Quang ở Yên Tử, Tháp đá ở viện Quỳnh Lâm, Tháp đá ở am Ngoạ Vân (nay là dấu tích Phật hoàng tháp)...
Tưởng nhớ công đức Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, sau khi người viên tịch, các đời sau của thiền phái Trúc Lâm đã cho dựng nhiều tượng về người. Trong đó pho tượng đá Trần Nhân Tông thế kỷ thứ XV-XVI ở tháp Huệ Quang được đánh giá đẹp vào loại bậc nhất Việt Nam. Ngoài ra còn có bộ ba tượng Trúc Lâm Điều Ngự - Pháp Loa - Huyền Quang ở Yên Tử cũng là những pho tượng giàu tính nghệ thuật.
Báo Quangninh