Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc (1890 – 1969) là người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà thơ lớn của đất nước ta trong thế kỷ 20. Sự nghiệp chính của Người là hy sinh phấn đấu cho độc lập tự do và cơm áo hoà bình của nhân dân ta. Người đã lấy văn thơ làm vũ khí chiến đấu sắc bén. Thông minh bẩm sinh, giàu tâm hồn nghệ sĩ, Người đã trở thành một cây bút chính luận kiểu mẫu, một nhà thơ lỗi lạc của đất nước.
Hồ Chí Minh là một cây bút đa phong cách, thể hiện một cốt cách cổ điển và những sáng tạo hiện đại. Văn thơ Hồ Chí Minh phong phú, đa dạng, độc đáo, viết bằng 3 thứ ngôn ngữ: tiếng Pháp, chữ Hán và Tiếng Việt.
Những năm 20 của thế kỷ này, Nguyễn Ái Quốc viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” và nhiều truyện, ký như “Vi hành”, “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc”. Tính tư liệu phong phú, tính chiến đấu mãnh liệt ở thể văn phóng sự; nghệ thuật tự sự hấp dẫn, châm biếm hóm hỉnh ở nhiều truyện ký. Thơ Tiếng Việt, phần lớn là lục bát, thất ngôn, hay nhất là những bài thơ “Chúc tết”, “Cảnh khuya”, “Cảnh rừng Việt Bắc”, “Đi thuyền trên sông Đáy”… Các bài thơ tuyên truyền, giản dị mộc mạc, gần gũi với ca dao, tiêu biểu là các bài “Ca sợi chỉ”, “Hòn đá”, “Con cáo và tổ ong”, v.v…
Thơ chữ Hán có “Ngục trung nhật ký” và trên 30 bài thơ khác viết từ năm 1942 đến ngày Người qua đời. “Vọng nguyệt”, “Vãn cảnh”, “Báo tiệp”, v.v… là những bài thơ tuyệt bút, đậm đà phong vị Đường thi:
“Yêu ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
“Tuyên ngôn độc lập”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”,… tiêu biểu cho phong cách chính luận của Hồ Chí Minh: sắc bén, đanh thép, hùng hồn.
Tóm lại, tình yêu nước, tình nhân ái tỏa sáng văn thơ Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!” Nhà thơ Tố Hữu cảm nhận tiếng nói Hồ Chí Minh là “Lời Non Nước”. Cụ Bùi Bằng Đoàn, tiến sĩ triều Nguyễn, một nhân sĩ yêu nước, tham gia Chính phủ kháng chiến, trong một bài thơ họa đã viết:
“Tri công quốc sự vô dư hạ,
Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi”
Vần thơ Hồ Chí Minh là vần “Thắng”, là vần thơ “đuổi giặc”.