Dân trí) - Người dân tại ngôi làng ở phía tây Ấn Độ vẫn duy trì một nghi lễ khác thường: ném trẻ con từ độ cao 15m xuống một tấm chăn bên dưới với hi vọng đứa bé sẽ khỏe mạnh và mang lại sự thịnh vượng cho gia đình.
Nghi lễ ném trẻ em, được cho là đã tồn tại gần 700 năm nay, diễn ra tại ngôi làng Harangal thuộc bang Maharashtra ở miền tây Ấn Độ. Những đứa trẻ, khoảng 2 tuổi, đã khóc và hét lên khi chúng bị thả từ độ cao 15m.
Được tổ chức thường niên, nghi lễ ném trẻ em của những người theo đạo Hindu và đạo Hồi thu hút hàng trăm người tới tham gia. Người ta tin rằng việc thả đứa trẻ từ trên cao sẽ giúp bé khỏe mạnh và mang đến sự thịnh vượng cho gia đình.
Sau khi được thả xuống tấm chăn bên dưới do một nhóm khoảng 14 người cùng giữ, đứa trẻ được chuyển qua đám đông và đến tay người mẹ.
Một nghi lễ tương tự cũng diễn ra cùng ngày tại Sholapur, cách thành phố Mumbai khoảng 450km.
Các nhà hoạt động vì quyền lợi của trẻ em đã chỉ trích các quan chức địa phương tại Sholapur vì đã cho phép hàng trăm em nhỏ được ném xuống từ mái của nhà thờ Baba Umer Durga. Tuy nhiên, giới chức địa phương cho hay không có em bé nào bị thương trong nghi lễ này.
Do tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao, đặc biệt tại các vùng nông thôn của Ấn Độ, nhiều người đã tìm đến các nghi lễ khác thường mà họ tin là có thể đảm bảo sức khỏe cho con cái họ.