Để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cho nhưng người xung quanh: chúng ta nên tự nâng cao nhân thức của mình về tình trạng sức khoẻ,cách phòng và chống dịch bệnh đang lây lan rộng trên toàn cầu.Dưới đây là 1 số thông tin về dịch cúm A(H1N1) và cách phòng chống cho mọi người:
Nhận biết cúm A/H1N1 Cúm A/H1N1 đang là căn bệnh nguy hiểm đe dọa nghiêm trọng trên toàn thế giới. Ở nước ta, cúm A/H1N1 đã tăng nhanh từng ngày và bắt đầu có biểu hiện lây lan ra cộng đồng. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ lây nhiễm cúm nếu tiếp xúc gần với nguồn bệnh mà không có biện pháp bảo vệ do bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp từ người này sang người khác hoặc qua tay tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính virus, sau đó đưa tay lên miệng, lên mũi. Những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao là những người sống hoặc đến từ vùng có dịch cúm A/H1N1, tiếp xúc gần với người bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh của cúm A/H1N1 kéo dài 2-7 ngày và thời gian lây truyền là một ngày trước khi có dấu hiệu bệnh và kéo dài đến bảy ngày sau khi phát bệnh.
Các biểu hiện cúm có thể nhận biết như: sốt, ho khan hoặc có đờm, sổ mũi, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và buồn nôn hoặc nôn, kèm theo tiêu chảy. Nặng hơn, bệnh gây ra viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Cũng có trường hợp không có những biểu hiện trên. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chuyên môn, những người bị cúm A/H1N1 có thân nhiệt tăng rất nhanh, chỉ cần 1 vài tiếng là từ thân nhiệt có thể lên tới trên 38độC.
Khi nào thì nghi ngờ bị nhiễm cúm A/H1N1? Những người sống trong vùng có dịch hay có đến vùng có dịch cúm A/H1N1 đang lưu hành trong vòng 7 ngày trước khi xuất hiện sốt hay có triệu chứng đau nhức mình, sổ mũi... cần phải được xét nghiệm xem có nhiễm virus cúm A/H1N1 hay không. Do tình hình cúm trên toàn thế giới diễn tiến rất nhanh nên cần cập nhật danh sách các nước có bệnh cúm H1N1 mới. Lưu ý là thời gian rời từ vùng có dịch chỉ trong 7 ngày và cần đến khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Khi nghi ngờ bị mắc bệnh cần làm gì? Khi nghi ngờ bị cúm nên ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác ngoại trừ đi khám bệnh. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm phát hiện cúm A/H1N1. Hiện nay để xét nghiệm, bệnh nhân sẽ được làm phết mũi họng, các bệnh phẩm lấy được sẽ chuyển đến các phòng xét nghiệm của các bệnh viện. Những bệnh viện này đều có khả năng thực hiện kỹ thuật PCR tìm ra virus này.
Virus cúm A/H1N1 lây lan như thế nào? Đây là loại virus có thể lây lan từ người sang người nhưng hiện nay chưa rõ mức độ của sự lây lan dễ dàng như thế nào. Sự lan truyền của virus cúm A/H1N1 mới này gần giống như sự lây lan của cúm mùa mà chúng ta thường thấy. Virus lan truyền từ người này sang người khác do ho hay hắt hơi (nhảy mũi). Đôi khi người ta mắc bệnh do tay bị vấy hay dính chất tiết có virus sau đó đưa tay lên miệng mũi. Khi một người bị nhiễm virus cúm thì khoảng 7 ngày sau sẽ có triệu chứng. Một ngày trước khi có biểu hiện bệnh thì người bị nhiễm đã phát tán virus ra chung quanh cho đến 7 ngày sau đó. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có thời gian phát tán virus lâu hơn. Cúm A/H1N1 là bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp. Vì vậy mà ăn thịt heo được nấu chín không bị mắc bệnh. Virus có thể tồn tại từ 2-8 giờ sau khi bám vào các bề mặt. Nước pha với chlorine 1-3 mg/L đủ khả năng diệt virus cúm trong đó có cả virus cúm A/H1N1 mới.
Điều trị bệnh cúm A/H1N1 như thế nào? Hiện nay có hai loại thuốc dùng để điều trị virus cúm A nói chung là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir (Relenza). Thuốc Tamiflu là thuốc uống còn Relenza là thuốc hít. Để có hiệu quả cần điều trị sớm trong vòng 24 giờ đầu sau khi có triệu chứng. Với người đã bị lây nhiễm, phải thực hiện ngay cách ly với cộng đồng.
Xử trí thế nào nếu thành viên trong gia đình mắc cúm? Người ốm nên cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày cho đến khi chấm dứt mọi triệu chứng bệnh, cụ thể tránh những hoạt động thông thường như đi làm, đi học, đi mua sắm, xuất hiện ở những nơi công cộng. Khi thành viên trong gia đình có biểu hiện cúm, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
Nên tìm đến trung tâm y tế ngay nếu xuất hiệu các dấu hiệu khẩn cấp như: thở nhanh, khó thở, da xám, đau vùng ngực và bụng, hoa mắt, nôn nhiều, không đi lại được…
Phòng chống cúm A/H1N1 Trong bối cảnh diễn biến cúm rất phức tạp, mỗi người đều cần tự phòng tránh cúm. Các biện pháp phòng chống cúm luôn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo hàng đầu tới người dân.
Với những người dân trong vùng dịch, để phòng ngừa cho chính mình và cộng đồng, phải:
- Thường xuyên đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh cá nhân như: rửa tay, sát khuẩn mũi, họng, mắt bằng các nước sát khuẩn. Dung dịch nước tỏi cũng là một biện pháp sát khuẩn tốt.
- Tránh tối đa đưa tay lên miệng, mắt mũi.
- Khi ho, hắt hơi phải lây khăn che mũi, miệng
- Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra, tránh tiếp xúc gần với những người không khỏe và những người bị sốt, ho. Hạn chế các chuyến du lịch đến các vùng dịch.
- Tăng cường ăn các loại thực phẩm có khả năng nâng cao sức đề kháng phòng chống cúm cho cơ thể như: tỏi, sữa chua, cá và các loại sò, thịt bò, cá, khoai lang, trà, yến mạch.
- Nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau đầu…phải báo cho cơ quan y tế nơi lưu trú để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời theo đúng quy định của ngành y tế
Khi cần khám ở đâu, gọi số nào? Khi nghi ngờ mắc cúm A/H1N1, người dân có thể đến trung tâm y tế dự phòng phường, quận đang cư trú để được tư vấn và đến bệnh viện gần nhà nhất để khám.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Sở Y tế Hà Nội cho biết, tất cả các trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện trên địa bàn thành phố đã được tập huấn về phòng tránh và ứng phó khi có bệnh nhân nghi ngờ mắc cúm A/H1N1.
Đặc biệt, trước mắt, Sở Y tế Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng tại Bệnh viện Đống Đa để tư vấn, khám và điều trị sớm cho những bệnh nhân nghi ngờ mắc cúm A/H1N1. Đó là ba số điện thoại di động của các bác sỹ lãnh đạo Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đống Đa: Ths Trần Quốc Tuấn, 0913513881 - Trưởng khoa; Ths Phạm Bá Hiền, 0912072459 - Phó trưởng khoa; Ths Nguyễn Thị Bích Vân, 0904035363 - Phó trưởng khoa.
Hà Nội đã chuẩn bị 400 giường bệnh sẵn sàng ứng phó nếu dịch cúm A/H1N1 xảy ra trên diện rộng. Các giường bệnh này chủ yếu tập trung tại Bệnh viện Đống Đa, Xanh Pôn, Bắc Thăng Long, Đức Giang. Các bệnh viện khác chuẩn bị mỗi nơi 10 giường bệnh trong trường hợp cần ứng cứu.
Trong trường hợp cơ quan, đơn vị có người nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 hoặc có nguy cơ bị dịch xâm nhập thì có thể gọi cho trung tâm y tế dự phòng phường, quận trên địa bàn, hoặc số điện thoại của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội 04.37332592 để được tư vấn.
Ngoài ra, người dân còn có thể gọi tới đường dây nóng Sở Y tế Hà Nội 04.37333071 hoặc thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989671115, fax: 04.37366241, Email:
baocaodich@gmail.com.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ở đâu có một ca dương tính với cúm A/H1N1 thì được coi là ổ dịch. Vì thế, cần phải tiến hành khoanh vùng, dập dịch ngay, tránh để dịch lan rộng.
(tổng hợp)