Hơn 130 trường CĐ, ĐH của ASEAN dự Hội nghị thường niên P2A tại ĐH Duy Tân
Hội nghị thường niên P2A lần thứ 7 (7th P2A AGM) tại Đại học Duy Tân diễn ra từ 16-19.11.2023, thu hút các đại biểu từ 135 trường cao đẳng và đại học trong cộng đồng các quốc gia ASEAN tham dự.
Đến tham dự Hội nghị thường niên P2A lần thứ 7 (7th P2A AGM) tại Đại học (ĐH) Duy Tân, các đại biểu từ 135 trường cao đẳng (CĐ) và ĐH trong cộng đồng các quốc gia ASEAN đã đưa ra rất nhiều sáng kiến thiết thực, để mang đến cho sinh viên cơ hội được kết nối, trao đổi học thuật, khởi nghiệp cũng như góp sức giải quyết các vấn đề về cuộc sống, đặc biệt là khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang có nhiều tác động lớn đến đời sống con người trong kỷ nguyên số hóa.
AHLĐ.NGƯT Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Duy Tân, Việt Nam (ngoài cùng bên trái); ông Jeroen Schedler - Giám đốc Chiến lược & Phát triển P2A, ĐH Rangsit, Thái Lan; và TS. Ethel Agnes Pascua-Valenzuela - nguyên Giám đốc SEAMEO (Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á), cố vấn giáo dục cho Ban Giáo dục tương lai, Ban Thư ký ASEAN phát biểu tại hội nghị
P2A được thành lập từ năm 2012 với 5 thành viên ban đầu là:
ĐH Rangsit (Thái Lan),
ĐH Duy Tân (Việt Nam),
ĐH Norton (Campuchia),
Viện Khoa học máy tính Myanmar, và
ĐH Quốc gia Lào.
Đến nay, P2A đã phát triển thành một mạng lưới gồm 135 trường CĐ và ĐH trong cộng đồng các quốc gia ASEAN, với rất nhiều hoạt động dành cho sinh viên. Hội nghị lần này được tổ chức với nhiều định hướng cho giai đoạn kế tiếp, trong đó có các dự án hướng đến:
Phát triển kỹ năng nghề nghiệp và sáng tạo khởi nghiệp;
Trao đổi học thuật, Hỗ trợ nghiên cứu, Hỗ trợ thực tập và làm việc tại các nước ASEAN;
Hoạt động nhân đạo vì Phát triển cộng đồng.
AHLĐ.NGƯT Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Duy Tân cho biết: "Suốt từ 2012 đến nay, chúng ta đã tổ chức cho rất nhiều đoàn sinh viên của các nước trong khối ASEAN cùng gặp gỡ giao lưu, trao đổi, và học hỏi. Hoạt động bổ ích và ý nghĩa này đã thu hút hàng ngàn sinh viên các nước tham gia. Đến đầu năm 2020, ghi nhận P2A là một mạng lưới thuộc ASEAN, của Tổ chức ASEAN, đã minh chứng cho những hiệu quả cũng như ý nghĩa của P2A đối với sinh viên trong khu vực. Tại kỳ họp lần thứ 7 này, chúng ta bước qua một giai đoạn 10 năm sắp tới. Từ chỗ giao lưu giữa sinh viên với nhau, chúng ta cần tiến tới có giao lưu giữa các thầy cô giáo, giảng viên và các nhà nghiên cứu. Trong thời đại công nghệ phát triển, cần hợp tác nhiều hơn nữa về đào tạo và nghiên cứu để ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay làm chủ công nghệ khi trí tuệ nhân tạo ngày một phát triển mạnh mẽ hơn".
Đại biểu của 135 trường trong cộng đồng các quốc gia ASEAN cùng nối vòng tay lớn vì sự lớn mạnh của P2A
Ông Jeroen Schedler - Giám đốc Kế hoạch chiến lược và phát triển của P2A, đồng thời là trợ lý Hiệu trưởng mảng Quốc tế hóa, ĐH Rangsit (Thái Lan) khẳng định: "Trong cuộc đời các bạn sẽ gặp rất nhiều người, nhưng không phải dễ gì gặp được những người có cùng nhiều điểm chung như Chủ tịch Hội đồng trường cùng Ban giám hiệu trường ĐH Duy Tân và Hiệu trưởng trường ĐH Rangsit. Những con người một tay xây dựng nên những trường ĐH đẳng cấp thế giới hay có chung niềm đam mê về giáo dục cho thế hệ trẻ và vì sự phát triển của nước nhà. P2A đã hợp nhất họ trong một mối quan hệ đối tác bền chặt qua nhiều năm qua. P2A phát triển như ngày hôm nay có sự góp sức của nhiều thành viên, trong đó không thể không kể đến TS Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân, người đã đầy tâm huyết và có nhiều sáng kiến để P2A ngày càng hoạt động hiệu quả. Món quà P2A dành cho sinh viên chính là khả năng kết nối, cùng gặp gỡ để thực hiện mọi mong ước trong học tập và cuộc sống. Chúng ta đã xây dựng mạng lưới P2A dựa trên niềm tin cùng niềm đam mê và tôi cảm thấy thật sự tự hào về những gì chúng ta đã đạt được trong 10 năm qua".
Ngay tại Hội nghị, có rất nhiều phiên họp chuyên đề được tổ chức, trong đó:
TS Ethel Agnes Pascua-Valenzuela - nguyên Giám đốc Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO), Cố vấn Giáo dục cho Ban Giáo dục tương lai, Ban Thư ký ASEAN đã trình bày về "Tương lai của giáo dục và trao đổi học thuật trong thời đại của trí tuệ nhân tạo và số hóa";
Ông Lim Teng Leng - Quyền Giám đốc P2A về công tác Đối ngoại, Phòng Quan hệ quốc tế, Trường Temasek Polytechnic (Singapore) đã báo cáo về các chương trình giao lưu trao đổi sinh viên P2A cùng các thách thức và cơ hội
Ông Wiryono Raharjo - Giám đốc về Khởi nghiệp & Đổi mới sáng tạo P2A trình bày về mạng lưới khởi nghiệp P2A: chặng đường phía trước, về sân chơi P2A Entrepreneurship Hackathon…
Nhiều đại biểu đến từ các nước đã chia sẻ về công tác sinh viên P2A, tương lai của việc trao đổi sinh viên trong khối ASEAN trước những thách thức và cơ hội, đồng thời đưa ra những chương trình mới cho năm 2024. Theo đó, có rất nhiều chương trình sẽ được triển khai trong năm tới. Cụ thể như:
Chương trình Công dân ASEAN: để nâng cao hiểu biết của sinh viên về các quốc gia thành viên ASEAN,
Mạng lưới Nghiên cứu ASEAN: nhằm tạo nền tảng cho các thành viên P2A chia sẻ ý tưởng, kiến thức và tăng cường năng lực nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên,
Trung tâm SkillFuture ASEAN: để tạo ra một cộng đồng tập trung vào việc xây dựng kiến thức, kỹ năng và năng lực về số hóa, xanh hóa và khởi nghiệp,
Cùng Chương trình World EXPO Osaka sẽ diễn ra vào năm 2025.
Các đại biểu cùng nhau thảo luận về các chương trình cho sinh viên ASEAN trong thời gian tới
Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu và được cùng nhau thảo luận nhiều đó là sự phát triển của công nghệ trong quá trình quốc tế hóa. Công nghệ đang làm thế giới thay đổi theo nhiều góc độ và giúp cho cuộc sống con người thêm nhiều sáng tạo, hiện đại và tiện ích hơn. Tuy nhiên, ở góc độ cho sinh viên, cần phải có những nhìn nhận thấu đáo về sự thích ứng của sinh viên, thiết kế các chương trình như thế nào để phù hợp với sinh viên trong kỷ nguyên số hay sinh viên được hưởng lợi gì từ sự phát triển quá nhanh của công nghệ.
Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 7, TS Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân chia sẻ: "Tôi rất vinh dự khi đại diện cho P2A chào đón các bạn đến với Đà Nẵng, Việt Nam để tham gia Hội nghị Thường niên P2A lần thứ 7. Sự hiện diện của các bạn có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi bởi đây là cuộc họp chung trực tiếp đầu tiên của P2A kể từ sau đại dịch. Đại dịch đã tạo ra cho chúng ta rất nhiều thách thức bởi các chương trình giao lưu trao đổi sinh viên đều là những chuyến đi quốc tế. Nhưng trên thực tế, không thể phủ nhận P2A đã phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ đại dịch dưới nhiều kênh liên lạc, tiếp xúc khác nhau. Như các bạn có thể thấy, P2A tổ chức nhiều hoạt động hơn cho sinh viên ở ASEAN, thậm chí nhiều hơn cả trước đại dịch. Đặc biệt, số lượng thành viên hiện nay cũng đã tăng gấp đôi so với thời điểm xảy ra đại dịch. Chúng tôi đã và đang hỗ trợ cả giảng viên và sinh viên ASEAN về mọi khía cạnh trong cuộc sống và nghề nghiệp.
Các bạn đã rất quen thuộc với câu nói: Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Tôi muốn thay đổi một chút. Đó là muốn đi vững vàng hơn và đi xa hơn hãy đi cùng nhau. P2A đã mạnh mẽ hơn trong đại dịch, đã tiến xa đến ngày hôm nay dựa vào sự đoàn kết, cam kết và sự quan tâm rất nhiều cho nhau. Vậy nên hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây, hãy cùng tôn vinh tinh thần tình bạn của P2A nhé! Chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục làm việc chăm chỉ hơn để xây dựng một ASEAN tốt đẹp hơn cho tương lai".
Năm 2023, có thêm 3 thành viên gia nhập tổ chức P2A đó là: trường Cao đẳng Quốc Gia về Khoa học và Công nghệ (Philippines), trường Cao đẳng Mapua Malayan Laguna (Philippines), và trường Kinh doanh Sài Gòn (SBS).
Nguồn:
https://thanhnien.vn/hon-130-truong-cd-dh-cua-asean-du-hoi-nghi-thuong-nien-p2a-tai-dh-duy-tan-185231123191105026.htm