Hạt mầm hy vọng giữa ngôi nhà nhiều nước mắt
Anh trai làm phụ hồ té từ trên cao xuống không qua khỏi. Ít tháng sau, người cha phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối cũng không cứu được.
Thi xong tốt nghiệp THPT, Khánh My xin vào dọn dẹp buồng phòng cho khu du lịch tranh thủ kiếm tiền trang trải việc học - Ảnh: TẤN LỰC
Trong ngôi nhà chỉ còn lại ba người phụ nữ ấy, Hoàng Thị Khánh My trở thành điểm tựa của người mẹ bệnh tật cùng bà nội già yếu. Cô tân sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn Quốc (Trường ĐH Duy Tân) ấy như đốm sáng hy vọng thắp lên niềm tin giữa cuộc đời u tối.
Mình vẫn tiếp tục làm thêm để phụ mẹ trang trải chuyện học hành, càng phải mạnh mẽ hơn và học thật tốt mới có thể làm chỗ dựa cho mẹ và bà.
HOÀNG THỊ KHÁNH MY
Ngút ngàn nỗi đau
Giữa trưa. Hàng xóm chỉ đường đến ngôi nhà nhìn ra cánh đồng ven sông Trường Giang của bà Võ Thị Hoa (51 tuổi) tại thôn Tây Giang trên vùng cát trắng Bình Sa, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Ngôi nhà đá tổ ong cũ thấp lè tè bao quanh bốn bề tre, chuối.
Bà Hoa ngồi bên khung cửa sổ đã mục, mắt hướng lên những tờ giấy khen học sinh giỏi của Khánh My dán đầy vách tường, mắt buồn rười rượi.
Ngôi nhà nhỏ yên ấm ấy bỗng xao xác vào một buổi trưa hè 2021. Bà Hoa nhớ khi ấy hai vợ chồng đang dở tay trồng mấy luống khoai lang trên đồi cát. Tin báo cậu con trai lớn bị té giàn giáo đang cấp cứu tại Đà Nẵng khiến họ như rụng rời.
Thấy cảnh cha mẹ vất vả, cậu con trai lớn Hoàng Tấn Lễ bấm bụng rời giảng đường đi làm phụ hồ phụ cha mẹ. Bà Hoa quệt nước mắt, chỉ ra ngọn dừa trước sân bảo "người làm cùng nói nó ngã từ khoảng cao như đó". Sau 20 ngày nằm viện, Lễ ra đi.
Nhắc đứa cháu vắn số, bà nội Liên Thị Trữ (87 tuổi) rưng rưng: "Tội thằng cháu trắng trẻo, đẹp trai, cao lớn, cha mẹ còn chưa kịp nhờ đỡ được ngày nào!". Cụ Trữ kéo tà áo lau nước mắt, bảo mình tuổi gần đất xa trời còn phải chịu cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Nỗi đau ấy chưa kịp nguôi ngoai, bi kịch khác lại ập đến với gia đình. Vài lần cảm ruột đau quặn thắt nhưng ông Hoàng Đình Văn - cha Khánh My - nghĩ chắc do ăn uống thiếu thốn nên vậy chứ không lui tới bác sĩ vì sợ tốn kém. Đến một ngày bụng đau không chịu nổi, ông phải đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ báo bị ung thư ruột giai đoạn cuối.
Vài tháng ngắn ngủi từ lúc phát bệnh, những cơn đau dữ dội đã đưa ông đi theo con trai lớn. Nỗi đau chất chồng, bà Hoa quỵ ngã, không ít lần muốn chấm dứt cuộc đời đi theo chồng con. May còn con bé My học giỏi, chịu thương chịu khó đã gieo hạt mầm hy vọng cho ngôi nhà đầy nước mắt.
Ngoài giờ lên lớp lao đi kiếm tiền
Ngày Khánh My nhập học, bà Hoa bán đi tài sản duy nhất là con bò đực được 14 triệu đồng, gom hết tất cả cho con lận lưng ra phố. Con bò mới nuôi được hơn nửa năm, mua từ nguồn vốn vay ưu đãi 10 triệu đồng của Hội Phụ nữ.
Nhìn cái chuồng bò trống trơn bên chuồng heo vắng lặng sau trận dịch tả, người mẹ nghèo không dám nghĩ tiếp chặng đường đại học phía trước của con gái. Lúc chồng nhập viện, bà Hoa cắn răng vay vốn hộ nghèo 50 triệu đồng chạy chữa.
Dù biết mang bệnh ung thư coi như đã cầm chắc án tử, nhưng tình nghĩa vợ chồng bà sao đành lòng làm ngơ. Nay ông đi rồi, khoản nợ càng trĩu nặng trên đôi vai bà mỗi lúc như gầy hơn.
Nhà còn ruộng lúa và mấy luống khoai lang nhưng gần đây bà đau bệnh liên miên nên bà Hoa đành nhờ bà con chòm xóm chăm giúp. Bà con chòm xóm ai cũng rõ gia cảnh, mỗi người chia sẻ tí công, giúp bà từ chuyện đồng áng tới sửa sang mái nhà sau mỗi mùa mưa bão.
Mái nhà bằng vôi và đá tổ ong làm từ hồi trước giải phóng, mùa bão năm trước gió thổi tung mái nên mới lợp lại bằng tôn. Mà trời miền Trung mùa hè nóng như nung, nhiều đêm bà cháu phải trải chiếu ra hiên tránh nóng.
Tranh thủ nhập học, cuối tuần My chạy xe máy 60 cây số về quê phụ mẹ chăm mấy luống khoai. Đôi tay gầy của con gái nay phải cầm cuốc thay cha. Nhiều người cũng ái ngại khi nghĩ đến hành trình đeo đuổi giảng đường của cô bé.
Ngay từ lớp 10, tan trường là Khánh My đã đi phụ quán cà phê kiếm tiền trang trải việc học. Những hôm cuối tuần có đám tiệc, cô được người quen kêu đi chạy bàn đám cưới.
Hè đến, khi đám bạn với những dự tính rong chơi, My đã xin vào khu du lịch làm dọn dẹp buồng phòng. Hầu như chẳng có công việc đồng áng nào My chưa từng làm: gieo lúa, tưới khoai, chăn bò, cắt cỏ... thấy mẹ làm gì My cũng phụ được. Miễn ở đâu có việc, nơi nào kiếm được đồng tiền lương thiện, cô bé lại lao vào, không sợ khó sợ khổ hay ngại ngần xấu hổ gì.
Dù vất vả là thế nhưng kết quả những năm học phổ thông Khánh My luôn đạt học sinh khá giỏi. My bảo mình bỏ sức lao động để kiếm những đồng tiền chân chính thì sao phải ngại. Mỗi ngày phụ bán cà phê, cô bé được chủ trả 100.000 đồng. Hôm nào đi phụ đám cưới sẽ được 200.000 đồng, tháng nào được gọi đi bưng bê vài cái đám cưới là My bảo mừng lắm.
"Công việc dọn dẹp buồng phòng mình cũng quen tay rồi, cứ tới hè là đi làm. Từ hôm thi xong tới giờ hơn tháng mình đã kiếm được gần 5 triệu đồng, phụ mẹ góp thêm tiền học" - cô gái khoe với giọng mạnh mẽ rồi mím chặt môi, khóe mắt đã ướt đẫm từ lúc nào.
Giảm 70% học phí
Tiếp nhận thông tin về hoàn cảnh của tân sinh viên từ báo Tuổi Trẻ chuyển đến, lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân đã quyết định cấp suất học bổng đặc biệt cho Hoàng Thị Khánh My. Trường miễn giảm 70% học phí toàn khóa học cho My.
Như vậy, cùng với sự trợ giúp từ trường đại học và suất học bổng Tiếp sức đến trường của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, hành trình theo đuổi ước mơ giảng đường của cô gái nhỏ đã phần nào bớt gian nan, nhọc nhằn.
Đồ họa: SONG UYÊN
Tiếp sức 105 tân sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng
Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường 2023 cho tân sinh viên khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ diễn ra ngày 15-10 tại TP Hội An.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Quảng Nam, Thành Đoàn Đà Nẵng, Palm Garden Resort và câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức. Tại điểm trao này, sẽ có 105 suất học bổng dành cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của hai địa phương.
Đây là điểm trao thứ ba trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 569 của báo Tuổi Trẻ.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,5 tỉ đồng do câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tài trợ.
Theo đó, mỗi suất học học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có 4 suất đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suốt 4 năm. Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam là nhà tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ 3 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.
Sau điểm trao Quảng Nam - Đà Nẵng, học bổng Tiếp sức đến trường tiếp tục đến với tân sinh viên khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phía Bắc.
Cách đây 18 năm, từ 42 tân sinh viên của Quảng Nam - Đà Nẵng có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên được tiếp sức, đến nay câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiếp sức cho 2.315 tân sinh viên khó khăn với tổng kinh phí hơn 22 tỉ đồng.
Trong năm 2023, học bổng Tiếp sức đến trường tiếp sức hơn 1.200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng.
Nguồn:
https://tuoitre.vn/hat-mam-hy-vong-giua-ngoi-nha-nhieu-nuoc-mat-20231013233748572.htm