TT - Có người cho rằng môn lịch sử là môn chỉ cần học thuộc lòng sách giáo khoa là có thể đáp ứng được mọi kỳ thi. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Trong quá trình ôn tập môn lịch sử ở bậc trung học phổ thông, cần chú ý một số đặc trưng của môn học này để ôn tập cho hiệu quả.
Khi ôn tập môn lịch sử phải luôn tự đặt và trả lời ba loại câu hỏi cơ bản:
1. “Như thế nào?” (trình bày, nêu khái quát, tóm tắt, chứng minh,
so sánh)
2. “Tại sao?” (giải thích)
3. “Phân tích” (vừa trình bày, vừa giải thích, so sánh, nhận xét/đánh giá, phê phán)
Khi ôn tập, học sinh cần trả lời các câu hỏi ôn tập bằng cách học nhóm, thay nhau trả lời và góp ý bổ sung cho nhau. Nếu chỉ có cá nhân thì cần viết ra giấy, không nên chỉ hình dung đại khái trong đầu. Khi viết không được sử dụng tài liệu. Sau khi viết cần so sánh với các tài liệu để bổ sung những chỗ sai sót. Nếu thấy sai sót nhiều thì cần học lại và viết lại.
Điều đáng chú ý là học sinh không bắt buộc phải trình bày mọi vấn đề lịch sử một cách máy móc, giống từng câu, từng chữ như sách giáo khoa, mà có thể thay đổi câu chữ và bố cục, miễn là đảm bảo đúng nội dung.
Những kỹ năng để làm bài thi môn lịch sử đạt kết quả tốt nhất:
1. Kỹ năng phân tích đề:
Trước hết phải hiểu đúng mỗi câu hỏi trong đề thi, chú ý từng từ trong câu hỏi. Một câu hỏi chặt chẽ sẽ không có từ nào là thừa. Đọc kỹ câu hỏi để xác định thời gian, không gian, nội dung lịch sử và yêu cầu của câu hỏi: trình bày, so sánh, giải thích, phân tích, đánh giá...
2. Phân bố thời gian cho hợp lý. Hãy căn cứ vào điểm số của từng câu mà tính thời gian, mỗi điểm khoảng 15 phút là phù hợp.
3. Kỹ năng viết bài: hãy coi mỗi câu hỏi như một bài viết ngắn, lập dàn ý, xác định những ý chính và trình tự của các ý. Sau đó hãy “mở bài”, đừng mất nhiều thời gian suy nghĩ về “mở bài”. Khi đã xác định đúng nội dung sẽ biết mở bài thế nào, và nên mở bài trực tiếp, ngắn gọn. Sau khi viết hết nội dung, chỉ nên kết luận thật ngắn gọn.