Vừa qua, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật tại Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FPT. Trước hàng loạt vi phạm, đơn vị này đã bị xử phạt với tổng số tiền lên tới 62 triệu đồng.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra, ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) 62 triệu đồng do thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, FPT Retail đã thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp không có giấy phép theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. Hành vi này bị áp dụng hình thức xử phạt chính với mức phạt tiền là 15 triệu đồng.
Thêm vào đó, đơn vị này kinh doanh thiết bị máy tính xách tay có ký hiệu Lenovo Yoga thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy mà không công bố hợp quy theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 46 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Với vi phạm này, FPT Retail bị xử phạt với số tiền 2 triệu đồng. Đây là mức tiền phạt nhẹ nhất trong khung phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm.
Công ty Cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) sở hữu hệ thống FPT shop, với hàng trăm cửa hàng tại nhiều tỉnh thành.
Ngoài ra, đơn vị này còn có nhiều hành vi vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, trong đó có việc kinh doanh hàng hóa không ghi đủ và ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017. Với hành vi vi phạm này, FPT Retail bị áp dụng hình thức xử phạt là phạt tiền 25 triệu đồng.
Như vậy, không chỉ được áp dụng mức phạt thấp nhất trong khung tiền phạt đối với hành vi bán thiết bị thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy mà không công bố hợp quy, FPT Retail còn được áp dụng mức phạt thấp nhất khi vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa.
Hơn nữa, FPT Retail còn kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có nhãn hàng hóa nhưng không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số, ngôn ngữ sử dụng theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm g Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP. FPT Retail bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền 20 triệu đồng.
FPT Retail vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật về viễn thông, công nghệ thông tin, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Ngoài ra FPT Retail cũng có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh SIM thuê bao di động như: Không thực hiện đầy đủ các quy định về niêm yết Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; quy trình giao kết hợp đồng;
Nhân viên thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không được tập huấn, đào tạo về quy trình, thủ tục giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
Nội dung Hợp đồng ký với khách hàng không trích dẫn thông tin được Doanh nghiệp viễn thông ủy quyền ký với khách hàng để cung cấp dịch vụ di động trả trước (Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được tích hợp trong ứng dụng mPOS để giao dịch và ký với khách hàng).
Với các lỗi vi phạm này, FPT Retail không bị xử phạt.
Được biết, tại thời điểm thanh tra, Công ty Cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT đang kinh doanh 409 loại sản phẩm tại các cửa hàng. Qua kiểm tra xác xuất 306 loại sản phẩm tại 06 cửa hàng (03 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh và 03 cửa hàng tại Đồng Nai), phát hiện một số loại sản phẩm gắn nhãn hàng hóa không đầy đủ thông tin; thông tin trên nhãn ghi không đúng quy định hoặc gắn nhãn nhưng chữ và số không đọc được bằng mắt thường.
Trong đó, hàng hóa có nhãn ghi không đủ (không đúng) nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định: 20 loại sản phẩm; hàng hóa có nhãn nhưng chữ và số (trên nhãn hàng hóa và dấu hợp quy gắn trên sản phẩm) không đọc được bằng mắt thường: 06 loại sản phẩm.