Đà Nẵng: Truyền thông Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch đến sinh viên chuyên ngành
(ictdanang) – Hàng trăm sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh, quản trị du lịch Đại học Duy Tân đã tham dự chương trình giao lưu, giới thiệu nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng, cùng cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Chương trình diễn ra vào ngày 22/10, do Trung tâm xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố và Đại học Duy Tân phối hợp tổ chức.
Các bạn sinh viên nhiệt tình đồng hành cùng những nội dung trong chương trình giao lưu.
- Ảnh trong bài: T.N
Một Nghị quyết mang tính đột phá phát triển
Được biết, ngày 16/1/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Theo đó, đến năm 2020, ngành Du lịch Việt Nam cơ bản trở thành ngành kinh tê mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ. hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu,mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Tiếp tục phấn đấu đến năm 2030, Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” cũng chỉ ra những điểm yếu hiện tại của ngành Du lịch trong nước.
Đó là “phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông còn nhiều bất cập.Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy…”.
Đại diện Trung tâm xúc tiến Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, Nghị quyết số 08-NQ/TƯ, ngày 16/1/2017, của Bộ Chính trị là bước đột phá, đổi mới và là văn kiện quan trọng để ngành Du lịch Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng có những bước phát triển vượt bậc và mang tính bền vững hơn. Trên cơ sở đó, thành phố Đà Nẵng cũng hướng đến mục tiêu vào năm 2020, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch biển cao cấp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
"Nhà trường mong nhận được phản hồi từ chính nhà tuyển dụng để nâng cao chất lượng đào tạo" - TS Nguyễn Hữu Phú - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân.
Thay mặt Đại học Duy Tân, TS Nguyễn Hữu Phú - Phó Hiệu trưởng cho biết, Đại học Duy Tân nhận thức khá sớm về tiềm năng và sự phát triển của các ngành du lịch, dịch vụ của Đà Nẵng cũng như khu vực trung Trung bộ Việt Nam; do vậy, những ngành đào tạo liên quan, đáp ứng nguồn nhân lực cho lĩnh vực đã được mở khá sớm.
Càng về sau, do nhu cầu từ chính nhà tuyển dụng, bên cạnh đó, tác động từ quy mô phát triển của lĩnh vực ngày càng lớn, và cũng để khẳng định uy tín của học hiệu, Đại học Duy Tân đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế và cả trong nước, nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều năm nay, Đại học Duy Tân đã tiếp nhận và triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến ngành Quản trị - Du lịch.
Đại học Duy Tân cũng thường xuyên ký kết và mở rộng quan hệ hợp tác với các Tập đoàn, Công ty hàng đầu Việt Nam về du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, ẩm thực để tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập hay tìm kiếm cơ hội việc là. Đồng thời, qua đó, Trường lắng nghe phản hồi về chất lượng đào tạo từ chính doanh nghiệp…
Từ năm 2009, Đại học Duy Tân đã chính thức ký kết hợp tác với Đại học Bang Pennsylvania (PSU) - 1 trong 5 đại học hàng đầu thế giới về Quản trị - Du lịch, và Trường Đại học thuộc Top 5 Đại học công lập lớn nhất Hoa Kỳ.
Hợp tác cùng PSU đã mang đến khả năng đào tạo các chương trình: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính-Ngân hàng, Du lịch - Khách sạn và Du lịch - Nhà hàng theo mô hình phương pháp, nội dung tiên tiến.
Nguồn nhân lực – nhân tố quan trọng hàng đầu: Kỳ vọng sẽ có những chuyển biển sớm
Trong chương trình giao lưu, sinh viên Đại học Duy Tân cũng đã có dịp tìm hiểu nhu cầu và những yêu cầu đối với sinh viên tham gia vào nguồn nhân lực phục vụ du lịch, từ khách mời là người đứng đầu Hội Lữ hành Đà Nẵng.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng, thông qua chương trình giao lưu, giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn vai trò, vị trí, ưu thế của ngành Du lịch. Từ đó, các bạn có sự nỗ lực ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có sự chuẩn bị để tương lai, khi đã tham gia vào đội ngũ nhân sự, nhân lực của ngành, thì hãy là nguồn nhân lực có tay nghề, giàu tâm huyết, là nhân lực có chất lượng cao, để có những đóng góp thực sự thiết thực cho sự phát triển của ngành, của thành phố.
Đặc biệt, các bạn sẽ đóng góp cho chính sự phát triển du lịch ngay trên địa bàn theo định hướng rất cụ thể: Xây dựng Đà Nẵng là điểm đến an toàn, thân thiện, điểm đến cung ứng sản phẩm, dịch vụ chuyên nghiệp. Từ đó, khẳng định vị trí của du lịch Đà Nẵng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới” – ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình "Mong các bạn nỗ lực nhiều hơn và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của Ngành, trong tương lai".
Lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, Hội Lữ hành Đà Nẵng quan tâm nhiều đến nguồn nhân lực, vì một trong những nội dung được đề cập như những giải pháp đặc biệt quan trọng tại Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, là giải pháp về nhân lực.
Theo đó, Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị yêu cầu phải “Đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Đa dạng hoá các hình thức đào tạo du lịch. Đây mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiến tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch”.
Theo Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đến năm 2020, ngành Du lịch Việt Nam phấn đấu thu hút được 17 đến 20 triệu lượt du khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 10% GDP. Tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD.
Ngành Du lịch (dịch vụ phục vụ du lịch) đến năm 2020, tạo ra 4 triệu việc làm. Trong đó, có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Góp phần hoàn thành mục tiêu trên, Nhà nước có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Việt Nam sẽ hoàn thiện “Bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch", tương thích với các tiêu chuẩn trong khối ASEAN. Cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng cấp Bộ, xúc tiến thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia và Hội đồng cấp Chứng chỉ nghề du lịch.
Các bạn sinh viên Đại học Duy Tân trả lời câu hỏi liên quan đến kiến thức về Du lịch Đà Nẵng.
Chương trình giao lưu với mục đích vừa truyền thông những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, vừa chia sẻ tầm nhìn về công tác xúc tiến du lịch Đà Nẵng, sự phát triển của ngành Du lịch Đà Nẵng; tạo nên những chuyển biến tích cực, rõ nét về nhận thức đối với vai trò, vị trí của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội…
Bên cạnh đó, các diễn giả cùng với sinh viên đã chia sẻ thẳng thắn những yêu cầu, đòi hỏi để Đà Nẵng thực sự và luôn là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, thu hút ngày càng đông du khách trong nước và bạn bè quốc tế; Du lịch Đà Nẵng sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn….Và không không thể thiếu là cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch đối với sinh viên đang theo học chuyên ngành này tại các Trường cao đẳng, đại học trên địa bàn.
Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết, sắp đến, Trung tâm còn tổ chức 2 chương trình giao lưu tương tự tại Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng (26/10) và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng (30/10).
T.Ngọc
http://ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=37397&fbclid=IwAR1nlDJZPl8JTMtuMc6Dwde_396Np64OlRSbGfa9Wewglf0hIHFm227sCMg