Trên tiến trình xây dựng và phát triển thành một đại học lớn mạnh và uy tín, Đại học Duy Tân đã nỗ lực thực hiện rất nhiều hoạt động để thúc đẩy đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tại mỗi lĩnh vực, Đại học Duy Tân đều đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận. Riêng đối với nghiên cứu khoa học, những năm gần đây, Đại học Duy Tân nổi bật lên như một điểm sáng với nhiều công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín và có số lượng trích dẫn lớn. Cùng với việc thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Cao theo quyết định số 228/QĐ-ĐHDT ngày 18/01/2014 trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (được thành lập ngày 22/08/2011), Đại học Duy Tân đang tạo ra những chuyển biến về chất trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo tại trường.
Các nhà khoa học của Đại học Duy Tân đang triển khai các thí nghiệm
Đội ngũ Nghiên cứu
Với chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài, Đại học Duy Tân đã hội tụ một lực lượng lớn tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới ở các nước như Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Canada, Hàn Quốc, Bỉ, Nhật Bản,… về làm việc. Hiện tại, Đại học Duy Tân có hơn 1.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu trong đó 16,5% Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư; 75 % Thạc sỹ đảm nhận công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Với uy tín của mình, các nhà nghiên cứu của Đại học Duy Tân đã xây dựng một mạng lưới gồm đông đảo các nhà khoa học đầu ngành trên khắp thế giới góp sức nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tại trường.
Say mê với công tác nghiên cứu khoa học
Các nhà khoa học của Đại học Duy Tân đang triển khai nhiều đề tài thuộc các lĩnh vực như Điện-Điện tử, Y sinh, Dược liệu, Vật lý, Quang học, Toán học, Công nghệ Sinh học… Nền tảng mới mẻ về nghiên cứu giúp Đại học Duy Tân tổ chức thành công nhiều hội nghị trong nước và quốc tế về Công nghệ Thông tin (2013), Điện tử Viễn thông (Commantel 2013 và 2014, SigTelCom 2017), Quang phổ, Quang học (quốc gia và quốc tế, với sự chủ trì của GS. TSKH. Vũ Xuân Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Cao, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Vật lý, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)…
Các Trung tâm Nghiên cứu
Đại học Duy Tân thực hiện đa dạng từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng. Để triển khai các hoạt động nghiên cứu, Đại học Duy Tân đã xây dựng các Trung tâm nghiên cứu trong đó có các phòng thực hành, phòng thí nghiệm với các thiết bị hiện đại, có thể triển khai các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, gồm:
Một phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại tại trường
- Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông
- Trung tâm Tính toán và Xử lý Số liệu
- Trung tâm Triển khai và Ứng dụng
- Trung tâm Sinh học Phân tử
- Trung tâm Công nghệ Môi trường
- Trung tâm Xây dựng, Cơ học và Vật liệu
- Trung tâm Hóa học Tiên tiến
Công bố Quốc tế
Với sự tăng trưởng liên tục của lực lượng nghiên cứu trong trường cùng việc gia tăng hợp tác nghiên cứu với bên ngoài, đến nay, Đại học Duy Tân đã có 682 bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế có chỉ số ISI. Đại học Duy Tân đã đạt 8 giải VIFOTEC, thực hiện 1 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp Bộ, 22 đề tài Nafosted cùng một số đề tài hợp tác nghiên cứu quốc tế với các viện, trường Đại học ở Anh, Mỹ, Đức…
Nhiều công bố ISI của Đại học Duy Tân có chỉ số ảnh hưởng IF (Impact Factor) cao. Tiêu biểu như 7 bài nghiên cứu y tế cộng đồng của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe Toàn cầu của trường có IF = 44.002; hay bài “DNA redox hydrogels: Improving mediated enzymatic bio-electro-catalysis” của TS Nguyễn Văn Khiêm với IF = 9.312; bài “Higher-Density culture in human embryonic stem cells results in DNA damage and genome instability” của TS Nguyễn Thị Hà với IF = 5.365.
Cùng với chỉ số ảnh hưởng IF cao, các bài báo của trường cũng được đăng trên các tạp chí có chỉ số trích dẫn (H-index) đáng nể với 12 tạp chí có H-index từ 300 đến 600, 14 tạp chí từ 150 đến 299, và 23 tạp chí từ 100 đến 149.
Ghi nhận thành tích nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu của Đại học Duy Tân, UBND Tp. Đà Nẵng đã trao thưởng cho 26 bài báo xuất sắc công bố trên các tạp chí tạp chí ISI trong năm 2016. Trong tổng số 26 bài báo ISI được khen thưởng, có 22 bài báo do các nhà khoa học Duy Tân là tác giả chính và 4 bài báo còn lại có sự kết hợp thực hiện giữa các nhà khoa học Đại học Duy Tân và Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng. UBND Tp. Đà Nẵng đã vinh danh TS. Lê Nguyên Bảo, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân là 1 trong 20 Nhà hoạt động Khoa học - Công nghệ tiêu biểu của Đà Nẵng giai đoạn 1997 - 2017, được trao Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năm 2017, UBND Tp. Đà Nẵng tiếp tục trao Bằng khen cho nhóm tác giả Vũ Dương, Trần Lê Thăng Đồng với công trình “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy đóng nan lô tự động” từng đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2016 cùng 46 nhà nghiên cứu có bài báo xuất sắc công bố trên tạp chí ISI trong năm 2017.