Những năm gần đây, lĩnh vực Y học đã ghi nhận nhiều đóng góp hiệu quả của các ứng dụng Công nghệ Thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, nghiên cứu phát triển thuốc...
Tuy nhiên, trong khi người bệnh ở các nước phát triển được tiếp cận với các hình thức khám chữa bệnh tiên tiến nhất có sự góp sức của CNTT thì tại Việt Nam những tiện ích đó mới chỉ mang tính manh nha.
Hội thảo quốc tế “Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong Y học” do Đại học (ĐH) Duy Tân khởi xướng đã diễn ra vào ngày 8.11 vừa qua ghi nhận khát khao thay đổi hiện trạng này từ đông đảo các nhà khoa học, bác sĩ, giảng viên đến từ các trường đại học, các bệnh viện uy tín trong nước và quốc tế.
Các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, bác sĩ đã đến phát biểu và thảo luận tại hội thảo
Từ những hạn chế trong công tác ứng dụng CNTT trong Y họcNghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ nhằm đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó có đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực Y học đã tạo ra một diện mạo mới cho các cơ sở y tế khi được trang bị các phần mềm quản lý bệnh án và các thiết bị máy móc hiện đại. Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh dựa trên các ứng dụng CNTT trong Y học vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các cơ sở y tế, chưa đi vào chiều sâu, trong đó có sự lãng phí lớn khi chưa tận dụng triệt để thế mạnh của hội chẩn qua truyền hình, các hệ thống thông minh xử lý hình ảnh và hỗ trợ ra quyết định chẩn đoán, điều trị…
Tại hội thảo, GS-TS-BS (Ngoại khoa) Phạm Vinh Quang, Trưởng khoa Y Đại học Duy Tân chia sẻ việc phải mạo hiểm ra quyết định trong ca mổ khi tính mạng bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc”, mà theo ông đã có thể hiệu quả hơn nhiều nếu có sự góp sức của các hệ thống thông minh hỗ trợ hội chẩn, hay có sự góp ý của các bác sĩ, chuyên gia có tay nghề cao ở những nơi khác qua truyền hình.
Nhiều năm thực hiện các ca mổ khó đã giúp GS-TS-BS Phạm Vinh Quang thu thập được số lượng lớn các dữ liệu, hình ảnh điều trị phục vụ tốt cho công tác đào tạo. Tuy nhiên, mong muốn hệ thống lại nguồn dữ liệu quý thành các phần mềm ứng dụng vẫn chưa thể thực hiện bởi các chuyên gia IT không có chuyên môn sâu về bệnh học trong khi các bác sĩ lại khó có thể xây dựng các phần mềm chuẩn vì thiếu kiến thức chuyên ngành CNTT.
Đơn cử trong ngành Nha khoa, trong khi việc đo đạc răng trên thế giới được thực hiện bởi các phần mềm CNTT thì ngay tại nhiều cơ sở y tế của Việt Nam, việc lấy mẫu răng vẫn được làm khá thủ công khi phải đổ mẫu thạch cao vào cả hàm răng, chờ khô mới cưa mẫu chiếc răng cần thay, chuyển cho kỹ thuật viên làm sáp và đúc răng. Điều này đã khiến bệnh nhân mất đi “quyền” được xem trước hình ảnh hàm răng, khuôn mặt sau khi được điều chỉnh cũng như khá bị động khi tiếp nhận răng mới cho bản thân.
Đông đảo các nhà khoa học, bác sĩ, giảng viên đã đến tham dự Hội thảo - Ảnh: D.T
Đến tiềm lực và nhiệt tâm vì nền tảng sức khỏe cộng đồng…Diễn ra tại TP.Đà Nẵng - thành phố có tiềm lực mạnh trong phát triển CNTT, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo thành phố. Ông Phạm Kim Sơn - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.Đà Nẵng khẳng định: “Thành phố luôn ủng hộ và khuyến khích các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp áp dụng sâu rộng CNTT trong nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có ứng dụng CNTT trong lĩnh vực Y học. Bởi vậy, TP.Đà Nẵng rất hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo của ĐH Duy Tân. 7 năm liên tiếp đứng đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, Đà Nẵng mong rằng hoạt động thiết thực như hội thảo hôm nay sẽ được nhân rộng để góp phần nâng cao công tác khám chữa bệnh cho người dân trong tương lai”.
Tiên phong ứng dụng công nghệ 3D ở nhiều mảng đào tạo như: Thực tế ảo, giảng dạy Văn hóa và Lịch sử, ứng dụng vào Điện ảnh và Nghệ thuật, và đặc biệt đã triển khai trình diễn các mô hình giải phẫu Y - Dược, ĐH Duy Tân tiếp tục mở ngành Bác sĩ Đa khoa từ năm 2015 sau ký kết hợp tác với hai đối tác trường Y lớn ở Mỹ là ĐH Illinois ở Chicago và ĐH Pittsburgh cùng nhiều bệnh viện lớn tại Khu vực Miền Trung.
Tâm huyết trong việc thúc đẩy công tác ứng dụng CNTT trong Y học, TS Lê Nguyên Bảo, Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân cho biết: “Tạo dựng diễn đàn để các chuyên gia CNTT và bác sĩ, giảng viên tìm hiểu, chia sẻ thực trạng, nhu cầu ứng dụng CNTT trong Y học chính là bước khởi đầu quan trọng để khắc phục những hạn chế trong công tác này. Với thế mạnh đào tạo CNTT trong nhiều năm qua, Duy Tân mong muốn, cùng với sự góp sức hỗ trợ từ các chuyên gia đầu ngành, sẽ đào tạo ra những thế hệ bác sĩ tài năng không chỉ giỏi chuyên môn ngành Y mà còn am hiểu CNTT để tăng cường hiệu quả và hiệu suất trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.
Tại Hội thảo, nhiều nghiên cứu đang triển khai, những dự án đã đưa vào thực tế đã được giới thiệu, thể hiện sự am hiểu và mong muốn thay đổi hiện trạng này, tiêu biểu như: Phần mềm Quản lý Bệnh nhân HIV - InfCare HIV được nhiều nước trên thế giới sử dụng của GS-TS Mattias Larsson - Học viện Karolinska, Thụy Điển; nghiên cứu “Sử dụng Công nghệ Mô phỏng 3D trong Giáo dục Nha khoa” của PGS-TS Võ Trương Như Ngọc và ThS Lê Quỳnh Anh, Đại học Y Hà Nội; “Cơ cấu Lọc phi tuyến Đa thức đối với Máy tính Hỗ trợ Phân tích Ảnh của những Khối u ở Ngực qua tia X” của GS-TS Vikrank Bhateja, SRMGPC, Ấn Độ,…
Một điểm nhấn mạnh của GS-TSKH Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hội thảo là: “Cần phát triển các nhóm nghiên cứu lớn mạnh trên tinh thần hướng tới xây dựng Đại học nghiên cứu tại Việt Nam”. Tiếp tục mở rộng các nhóm nghiên cứu trên tinh thần đầu tư bài bản, trọng dụng nhân tài mà ĐH Duy Tân đã thực hiện trong nhiều năm qua sẽ là nền tảng vững chắc góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT trong Y học vì nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng.
Nguyễn Hà