(ictdanang)- Ngày 10/6 tại Đại học Duy Tân đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác “Chương trình Du học 2+2” giữa Đại học Duy Tân với Đại học Purdue, Calumet (Hoa Kỳ).
Theo nội dung đã được 2 bên ký kết, Đại học Duy Tân cùng với Đại học Purdue, Calumet chính thức hợp tác triển khai đào tạo chương trình du học 2+2 (2 năm học tại Đại học Duy Tân, chuyển tiếp sang học 2 năm tại Đại Học Purdue, Calumet).
TS. Lê Nguyên Bảo-Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân (bên trái) và Giáo sư Keyuan Jiang, Trưởng khoa Công nghệ Thông tin và Đồ họa Máy tính, Đại học Purdue chính thức ký kết văn kiện hợp tác.
“Điểm nhấn của nội dung hợp tác lần này đó là Đại Học Purdue, Calumet công nhận cả quá trình đào tạo 2 năm tại Đại học Duy Tân. Nếu người học vượt qua tiếp các thử thách của 2 năm còn lại, sẽ nhận bằng tốt nghiệp do chính Đại học Purdue cấp”- TS. Lê Nguyên Bảo-Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân cho biết.
Chương trình du học 2+2 nêu trên tuyển sinh các chuyên ngành: Kế toán- Tài chính- Hệ thống Thông tin Quản lý- Phân tích Kinh doanh- Marketing- Quản trị Nguồn nhân lực - Công nghệ Thông tin Máy tính- Điện-Điện tử và Nhà hàng-Khách sạn.
“Tổng số tín chỉ phải hoàn thành trong suốt khóa học tương đương 120 tín chỉ. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất mà người học phải vượt qua, đó là năng lực tiếng Anh phải tương đương IELTS 6.5. Và các Trung tâm Anh ngữ/Ngoại ngữ của 2 trường sẽ hỗ trợ để sinh viên phải đạt yêu cầu về trình độ tiếng Anh mà chương trình đào tạo bắt buộc” - Ông Jaekeun Cho, Giám đốc các chương trình và quan hệ hợp tác tại khu vực Hàn Quốc, Đông Nam Á chia sẻ.
Về chất lượng giáo dục, College Database đã xếp Đại học Purdue, Calumet ở vị trí thứ 2 trong các trường Đại học ở bang Indiana, Hoa Kỳ (chỉ sau Đại học Purdue West Lafayette), nhưng cho biết, Đại học Purdue, Calumet có mức học phí phải chăng.
Còn theo The Times of Northwest Indiana, Đại học Purdue, Calumet là Trường Đại học tốt nhất tại Northwest Indiana.
Đại học Purdue, Calumet được thành lập từ năm 1946, và là thành viên trong hệ thống các cơ sở, trung tâm đào tạo của Đại học công lập Purdue (bang Indiana). Đây cũng là hệ thống trường Đại học danh tiếng đã được công nhận trên toàn thế giới.
“Ở bảng xếp hạng mới nhất về năng lực đào tạo các ngành khoa học-công nghệ và kỹ thuật, Đại học Purdue, Calumet chỉ xếp sau Đại học Carnegie Mellon, được xem là đại học mạnh nhất về đào tạo Công nghệ Thông tin tại Mỹ. Tờ Northwest Indiana Business Quartely cũng đã xếp hạng 1 đối với Đại học Purdue, Calumet trong số những trường đại học tốt nhất để lấy bằng Công nghệ.
Do vậy các bạn sinh viên, các bậc phụ huynh hoàn toàn yên tâm về chất lượng đào tạo, về tính ưu việt của các chương trình đào tạo đã được xếp vào hạng tiên tiến và được cộng đồng giáo dục quốc tế công nhận, khi đăng ký theo học Chương trình du học 2+2 vừa được ký kết sáng hôm nay” - TS. Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân nhấn mạnh.
Đại học Purdue, Calumet tọa lạc tại thành phố Hammond (cũng nằm ở bang Indiana) - một khu vực rất yên bình nhưng chỉ cách Trung tâm Kinh tế-Tài chính Chicago chỉ 30 phút lái xe. Và một trong những điểm thuận lợi khi theo học tại đây đối với du học sinh quốc tế là Đại học Purdue, Calumet có riêng một Làng Đại học (khu vực nhà ở cho sinh viên, du học sinh) với đầy đủ tiện nghi. Hiện có 9.500 sinh viên đang theo học tại Đại học Purdue, Calumet (trong đó có hơn 800 sinh viên, du học sinh quốc tế đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác).
Lãnh đạo 2 trường trao quà lưu niệm (Người đứng giữa, ảnh trên là ông Jaekeun Cho, Giám đốc các chương trình và quan hệ hợp tác tại khu vực Hàn Quốc, Đông Nam Á).
Được biết, sinh viên, du học sinh tốt nghiệp từ Đại học Purdue, Calumet đều có việc làm đúng với khả năng và nguyện vọng sau tốt nghiệp; nhiều kỹ sư, cử nhân, quản trị viên xuất thân từ Đại học này cũng đã được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, tập đoàn nổi tiếng như Amazon, Boeing, Ford Motor, The Walt Disney, Pepsi v.v…
Một chi tiết khá thú vị mà ông Jaekeun Cho, Giám đốc các chương trình và quan hệ hợp tác tại khu vực Hàn Quốc, Đông Nam Á đã đưa ra để “đố vui” (trong chương trình giới thiệu về Nhà trường, giao lưu cùng sinh viên Đại học Duy Tân) là: Ai là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng ?
Câu trả lời được một sinh viên Đại học Duy Tân nhanh chóng gửi đến vị chủ toạ Jaekeun: Neil A. Armstrong !
Và ngay sau đó cả hội trường đã vang lên những tiếng vỗ tay khi Người Giám đốc các chương trình và quan hệ hợp tác tại khu vực Hàn Quốc, Đông Nam Á dõng dạc công bố: Neil A. Armstrong cũng chính là cựu sinh viên Đại học công lập Purdue (bang Indiana).
Neil A. Armstrong - Nhà du hành vũ trụ NASA - sinh ngày 05 tháng Tám năm 1930 tại Wapakoneta, bang Ohio.
Nguyên là một phi công trong lực lượng Hải quân Hoa kỳ từ 1949-1952.
Ông được chọn tham gia chuyến bay đầu tiên của phi thuyền Apollo 11 (phi thuyền có người lái hạ cánh lên Mặt Trăng) và Apollo 11 đã hạ cánh an toàn xuống bề mặt Mặt Trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969.
Chính Neil A. Armstrong là người đầu tiên ra khỏi phi thuyền, đặt chân lên mặt trăng.
Một trong những chi tiết chính thức được ghi vào tiểu sử của ông (và được công bố theo hình thức tiểu sử niên giám của những nhân vật lớn trong lịch sử nước Mỹ cũng thế giới) đó là:
Vào năm 1955, Armstrong đã nhận tấm bằng Cử nhân Khoa học ngành Kỹ thuật hàng không của Đại học Purdue .
Năm 1970, ông nhận tấm bằng Thạc sĩ Khoa học danh giá chuyên ngành Kỹ sư hàng không của Đại học Nam California và từ 1971 đến 1979, ông là giáo sư ngành Kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Cincinnati.
“Từ năm 2007, Đại học Duy Tân đã hợp tác với Đại học Carnegie Mellon, đại học mạnh nhất về Công nghệ Thông tin ở Mỹ, nơi nổi tiếng với các chương trình đào tạo Cử nhân ngành Công nghệ Phần mềm, Hệ thống Thông tin và Kỹ thuật Mạng; tiếp đó là hợp tác với Đại học Bang Pennsylvania, 1 trong 5 trường công lớn nhất Hoa Kỳ đào tạo chương trình Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính, Ngân hàng và Du Lịch; với Đại học Bang California, Fullerton đào tạo chương trình ngành Xây dựng và Kiến trúc…Những hoạt động không ngừng nghỉ mà ngày càng được nâng cao của Đại học Duy Tân trong hợp tác quốc tế, chính là một trong những nội dung của chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo nhân lực đạt chuẩn chất lượng cao trên cơ sở hợp tác quốc tế mà Hội đồng Quản trị Nhà trường đã đặt ra với một quyết tâm thực hiện rất lớn.
Và đây cũng là một trong những cách làm, một trong những đóng góp của Đại học Duy Tân để hiện thức hoá chủ trương “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam” giai đoạn 2006 – 2020” - Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Đại học Duy Tân nhấn mạnh trong trao đổi với chúng tôi.